Những món đặc sản quê hương Cao Bằng làm quà cho du khách

Miến dong
Đặc sản miến dong.

Từ lâu, Cao Bằng nổi tiếng với sản phẩm miến dong làm từ bột dong riềng nguyên chất, thơm ngon. Sợi miến to, không bóng như các loại miến thông thường nhưng lại mê hoặc thực khách bởi mùi thơm ngọt của miến dong nguyên chất.

Miến dong Phja Đén được làm 100% từ củ dong riềng trồng trên các sườn núi theo phương thức truyền thống, phơi phên nứa, nói không với chất tẩy, chất tạo màu, bột nở hay các hóa chất khác. Khi nấu sợi miến mềm, trong, thơm, dai, vị ngọt mát, dù nấu lại sợi miến vẫn dai, không bị dính, nát như các loại miến khác. Trong mâm cỗ truyền thống của người Cao Bằng, miến được nấu với thịt gà, nấm hương, mộc nhĩ rất đậm đà, thơm ngon.

Khẩu sli

Khẩu sli.

Khẩu sli là bánh đặc sản truyền thống đã có từ lâu và được nhiều người biết đến trên địa bàn xã Phù Ngọc (Hà Quảng). Bánh được làm từ các nguyên liệu sẵn có của địa phương gồm gạo nếp, lạc, đường mật và sản xuất theo phương pháp thủ công gia truyền với nhiều công đoạn cầu kỳ, như: đồ xôi, phơi, giã, sấy, sàng, rang..., bánh có mùi vị rất đặc trưng, thơm ngon, bổ dưỡng.

Từ bao đời nay, khẩu sli là món ăn truyền thống trong dịp lễ, Tết của người Tày, Nùng. Khẩu sli có vị thơm của nếp cái, bùi ngậy của lạc và vị ngọt của đường phên. Khẩu sli là đặc sản được du khách gần xa lựa chọn làm quà khi đến với vùng quê cách mạng Cao Bằng.
Bánh khảo

Bánh khảo.

Bánh khảo được làm nhiều nhất vào dịp Tết và được xem như một thứ quà Tết của dân tộc Tày, Nùng. Song, ngày nay, để đáp ứng nhu cầu của du khách cũng như quảng bá sản phẩm đặc sản của địa phương, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều cơ sở sản xuất bánh khảo mang thương hiệu. Để làm ra những phong bánh khảo thơm ngon, người làm phải cẩn thận, cầu kỳ trong khâu chọn gạo nếp, vừng, lạc, mỡ lợn... Nhờ đó, bánh khảo có vị thơm của gạo nếp, bùi bùi của vừng lạc, vị ngọt của đường kính và béo ngậy của mỡ. Tất cả hòa quyện với nhau khiến bánh khảo có một hương vị đặc biệt không lẫn vào đâu được.

Thạch đen

Thạch đen.

Thạch đen là món ăn thân quen, bình dị, hương vị thanh mát, bổ dưỡng, được sử dụng nhiều trong dịp hè nóng nắng. Chiết xuất từ cây thạch đen (còn gọi là cây xương sáo hay lương phấn thảo) trồng nhiều ở huyện Thạch An, lá thạch đen có vị ngọt, mát, có tác dụng giải nhiệt, hạ huyết áp, trị cảm mạo, đau khớp.

Thạch mềm, giòn, màu đen bóng, có vị thơm nhẹ. Có 2 loại thạch đen có đường và không đường. Thạch có thể ăn riêng hoặc ăn cùng với chè, tào phớ, sữa đậu... và bảo quản trong tủ lạnh từ 5 - 6 ngày.

Hiện nay, một số sản phẩm từ cây thạch đen đang được nghiên cứu sản xuất thành hàng hóa, trong đó có thạch đen đóng hộp sẵn rất tiện lợi cho người sử dụng. Song, những khối thạch đen óng bán theo cân trong các khu chợ truyền thống vẫn là hình ảnh quen thuộc và mang dấu ấn văn hóa ẩm thực độc đáo của Cao Bằng.          

 
Minh Ánh

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Calendar
Title and navigation
Title and navigation
<<<Tháng Ba 2024><<
Tháng Ba 2024
 HBTNSBC
926272829123
1045678910
1111121314151617
1218192021222324
1325262728293031
141234567
Lịch công tác tuần
Đăng nhập