Những món ăn vặt đặc trưng mùa lạnh
Khi tiết trời lành lạnh như hiện nay, những món ăn vặt đặc trưng, nóng hổi, thơm ngon luôn là sự lựa chọn hàng đầu. Sẽ chẳng còn gì tuyệt vời hơn khi được ngồi cùng bạn bè, người thân mỗi buổi chiều lạnh giá thưởng thức những món ăn giản dị mà vô cùng độc đáo này ở ngay Thành phố Cao Bằng.

 

     

    Bánh áp chao thịt vịt là món ăn hấp dẫn ở Cao Bằng.

    Bánh áp chao

    Đối với dân hay ăn vặt ở Cao Bằng và đặc biệt vào những ngày se lạnh như hiện nay, bánh áp chao luôn là cái tên hiện lên đầu tiên trong tâm trí. Ngồi trong quán nhỏ, thổi phù phù, nhâm nhi lớp vỏ bột giòn thơm cùng với phần nhân thơm béo của thịt vịt.

    Gắp một miếng bánh nóng hổi và một miếng thịt vịt, chấm cùng nước dấm đường pha chua ngọt, ăn kèm theo đu đủ xanh bào sợi và ít rau húng thơm. Tất cả hòa quyện lại tạo nên hương vị đặc trưng chỉ bánh áp chao Cao Bằng mới có. Một sức hấp dẫn khó lòng cưỡng lại.

    Món ăn này hầu như có thể thưởng thức ở bất cứ đâu, trong đó nổi tiếng nhất là hai quán bánh áp chao ở Nước Giáp và Phố Cũ (phường Hợp Giang, Thành phố). Với mức giá từ 30.000 – 50.000 đồng đủ cho một người ăn.

    Món bánh trôi nóng hổi giúp xua đi cái lạnh của vùng miền núi.

    Bánh trôi

    Bánh trôi hay còn gọi là bánh coóng phù theo cách gọi của người Tày Cao Bằng. Trong tiết trời se lạnh, thưởng thức một bát bánh trôi nóng hổi, với nước đường thơm mùi gừng, có thể rắc thêm ít lạc rang giã nhỏ, nước cốt dừa cho thơm, như thế mới cảm nhận được sự độc đáo, vị ngon của bánh và làm tan đi cái lạnh của tiết trời lạnh buốt.

    Có vô vàn hàng bánh trôi nhưng để thưởng thức trọn vẹn món ăn khách hàng nên lựa chọn các quán lâu năm, như: quán Bà Hợp ở đường Hoàng Văn Thụ, phố Vườn Cam 2, quán cô Diệp, góc phố Lý Tự Trọng (gần Nhà hàng Thu Tường), phường Hợp Giang… Mức giá một bát bánh trôi khoảng 15.000 đồng.

    Bánh đúc nóng được nhiều người lựa chọn trong ngày giá lạnh.

    Bánh đúc nóng

    Bánh đúc nóng là món quà mùa đông rất được lòng người Cao Bằng, vì ăn ngon miệng mà không quá no, chiều có đi ăn một bát, tối vẫn ăn được cơm tối với gia đình. Loại bánh thơm mùi bột gạo, hành phi.

     Bánh đúc nóng sẽ ăn cùng với nhân thịt xay xào với mộc nhĩ và hành lá. Nước dùng được làm từ xương hầm ninh. Bát bánh đúc nóng hổi ăn kèm thêm giò cùng với chút mùi tàu, ăn một miếng là xua tan cái lạnh đầu đông.

    Để thưởng thức bánh đúc nóng, khách hàng có thể ghé qua các quán tại Phố Vườn Cam, Phố Cũ, với mức giá từ 15.000 – 20.000 đồng/bát.

    Món bánh khoai thơm giòn.

    Bánh khoai, bánh chuối, bánh ngô

    Đây là thứ quà ăn vặt hấp dẫn siêu rẻ mà siêu ngon, đặc biệt dành cho mùa lạnh. Trong tiết trời lạnh giá, đôi khi có mưa của Cao Bằng, ăn một miếng bánh vừa rán xong, nóng hôi hổi là đã đủ ấm cả người.

     Có thể thấy các món bánh này ở hầu hết các quán ăn vỉa hè với giá rất bình dân, chỉ cần ăn tầm 2 đến 3 chiếc bánh là đã thấy bụng no căng. Đặc biệt khi vừa ăn vừa ngồi xem những người bán hàng nhanh tay đảo bánh cũng là một điều thú vị.

    Thứ quà vặt thơm ngon này có bán ở hầu hết các khu phố của Thành phố, với giá cực mềm 6.000 đồng/chiếc.

    Món ốc luộc với bán nước chấm đặc trưng riêng có.

    Ốc luộc

    Sẽ là thiếu sót khi nhắc đến món ăn vặt đặc trưng mùa lạnh mà không nhắc đến món ốc luộc, thứ quà vặt vô cùng quen thuộc. Dạo khắp phố phường, thật dễ dàng bắt gặp những quán ốc đông đúc khách ra vào.

    Mỗi hàng ốc lại có những công thức riêng để luộc và đặc biệt là những bí quyết pha nước chấm đặc trưng thơm ngon của từng quán,… Một chiều đông lạnh giá sẽ trở nên tuyệt vời hơn nhiều bên bát ốc luộc nóng, cùng bạn bè rôm rả trò chuyện.

    Đối với các tín đồ ẩm thực sành sỏi, các quán ốc luộc nổi tiếng, như: ốc Huấn Oanh (Nước Giáp), Đức Ốc (Sông Hiến), Ốc Đạt (Km3 Nà Cáp)… có lẽ đã không còn xa lạ. Với giá 25.000 – 50.000 đồng/bát.

    Nguồn: Báo Cao Bằng

    Những món đặc sản quê hương Cao Bằng làm quà cho du khách

    Miến dong
    Đặc sản miến dong.

    Từ lâu, Cao Bằng nổi tiếng với sản phẩm miến dong làm từ bột dong riềng nguyên chất, thơm ngon. Sợi miến to, không bóng như các loại miến thông thường nhưng lại mê hoặc thực khách bởi mùi thơm ngọt của miến dong nguyên chất.

    Miến dong Phja Đén được làm 100% từ củ dong riềng trồng trên các sườn núi theo phương thức truyền thống, phơi phên nứa, nói không với chất tẩy, chất tạo màu, bột nở hay các hóa chất khác. Khi nấu sợi miến mềm, trong, thơm, dai, vị ngọt mát, dù nấu lại sợi miến vẫn dai, không bị dính, nát như các loại miến khác. Trong mâm cỗ truyền thống của người Cao Bằng, miến được nấu với thịt gà, nấm hương, mộc nhĩ rất đậm đà, thơm ngon.

    Khẩu sli

    Khẩu sli.

    Khẩu sli là bánh đặc sản truyền thống đã có từ lâu và được nhiều người biết đến trên địa bàn xã Phù Ngọc (Hà Quảng). Bánh được làm từ các nguyên liệu sẵn có của địa phương gồm gạo nếp, lạc, đường mật và sản xuất theo phương pháp thủ công gia truyền với nhiều công đoạn cầu kỳ, như: đồ xôi, phơi, giã, sấy, sàng, rang..., bánh có mùi vị rất đặc trưng, thơm ngon, bổ dưỡng.

    Từ bao đời nay, khẩu sli là món ăn truyền thống trong dịp lễ, Tết của người Tày, Nùng. Khẩu sli có vị thơm của nếp cái, bùi ngậy của lạc và vị ngọt của đường phên. Khẩu sli là đặc sản được du khách gần xa lựa chọn làm quà khi đến với vùng quê cách mạng Cao Bằng.
    Bánh khảo

    Bánh khảo.

    Bánh khảo được làm nhiều nhất vào dịp Tết và được xem như một thứ quà Tết của dân tộc Tày, Nùng. Song, ngày nay, để đáp ứng nhu cầu của du khách cũng như quảng bá sản phẩm đặc sản của địa phương, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều cơ sở sản xuất bánh khảo mang thương hiệu. Để làm ra những phong bánh khảo thơm ngon, người làm phải cẩn thận, cầu kỳ trong khâu chọn gạo nếp, vừng, lạc, mỡ lợn... Nhờ đó, bánh khảo có vị thơm của gạo nếp, bùi bùi của vừng lạc, vị ngọt của đường kính và béo ngậy của mỡ. Tất cả hòa quyện với nhau khiến bánh khảo có một hương vị đặc biệt không lẫn vào đâu được.

    Thạch đen

    Thạch đen.

    Thạch đen là món ăn thân quen, bình dị, hương vị thanh mát, bổ dưỡng, được sử dụng nhiều trong dịp hè nóng nắng. Chiết xuất từ cây thạch đen (còn gọi là cây xương sáo hay lương phấn thảo) trồng nhiều ở huyện Thạch An, lá thạch đen có vị ngọt, mát, có tác dụng giải nhiệt, hạ huyết áp, trị cảm mạo, đau khớp.

    Thạch mềm, giòn, màu đen bóng, có vị thơm nhẹ. Có 2 loại thạch đen có đường và không đường. Thạch có thể ăn riêng hoặc ăn cùng với chè, tào phớ, sữa đậu... và bảo quản trong tủ lạnh từ 5 - 6 ngày.

    Hiện nay, một số sản phẩm từ cây thạch đen đang được nghiên cứu sản xuất thành hàng hóa, trong đó có thạch đen đóng hộp sẵn rất tiện lợi cho người sử dụng. Song, những khối thạch đen óng bán theo cân trong các khu chợ truyền thống vẫn là hình ảnh quen thuộc và mang dấu ấn văn hóa ẩm thực độc đáo của Cao Bằng.          

     
    Minh Ánh

    Tin tức
    Thống kê truy cập
    • Đang truy cập: 1
    • Hôm nay: 1
    • Trong tuần: 1
    • Tổng lượt truy cập: 1
    Đăng nhập