Bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính
Đổi mới lề lối làm việc, cắt giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, hạn chế gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp là những ưu tiên hàng đầu của tỉnh trong công tác cải cách hành chính (CCHC). Đây cũng là điểm nhấn quan trọng của cấp ủy, chính quyền các cấp quyết tâm thực hiện trong thời gian qua, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

Đổi mới lề lối làm việc, cắt giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, hạn chế gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp là những ưu tiên hàng đầu của tỉnh trong công tác cải cách hành chính (CCHC). Đây cũng là điểm nhấn quan trọng của cấp ủy, chính quyền các cấp quyết tâm thực hiện trong thời gian qua, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

    Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự khai trương Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

    TẠO SỰ HÀI LÒNG CHO NGƯỜI DÂN

    Với mục tiêu “CCHC - Động lực phát triển, lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ”, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đi vào hoạt động đã tạo bước đột phá trong công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và hiện đại hóa nền hành chính nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư; trở thành đầu mối tập trung để cơ quan chuyên môn, các sở, ban, ngành cấp tỉnh tiếp nhận và phối hợp giải quyết TTHC nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả giải quyết TTHC của cơ quan nhà nước; đồng thời tăng cường tính liên thông trong giải quyết TTHC, bảo đảm nhanh chóng, công khai, minh bạch, không có khâu trung gian, giảm chi phí thực hiện, góp phần cải thiện chất lượng công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành, phục vụ, hướng tới sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh.

    Bà Trương Thị Hiên, tổ 23, phường Sông Bằng (Thành phố) cho biết: Tôi hài lòng với môi trường làm việc tại đây. Cán bộ, nhân viên hướng dẫn chu đáo, cẩn thận và rất thân thiện, hòa nhã. Từ việc lấy số thứ tự, ngồi chờ đến lượt làm thủ tục đều thoải mái, thuận tiện. Các nội dung được niêm yết công khai, minh bạch tại nơi làm việc của Trung tâm, cùng với các quy định, phí và lệ phí, thời gian giải quyết công việc rõ ràng, theo đúng nguyên tắc, TTHC đơn giản, đúng pháp luật. Tất cả các TTHC giữa người dân và chính quyền được giải quyết nhanh gọn hơn rất nhiều, không còn những thủ tục rườm rà như trước đây...

    Để triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện và nâng cao hiệu quả hoạt động gắn với xây dựng chính quyền điện tử hướng tới nền hành chính công hiện đại, minh bạch, hiệu quả, tỉnh tiến hành rà soát, chuẩn hóa, xây dựng quy trình giải quyết TTHC theo hướng đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tỉnh đã đưa 1.266 thủ tục, trong đó thực hiện toàn bộ quy trình tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả tại Trung tâm là 132 TTHC trên các lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết của 10 sở, ban, ngành: Giáo dục và Đào tạo, Tư pháp, Y tế, Giao thông - Vận tải, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công thương; Bộ phận Kiểm tra - Giám sát (gồm công chức của Thanh tra tỉnh và Ban Pháp chế HĐND tỉnh).

    Với trụ sở khang trang tại số 58, đường Hoàng Đình Giong (Thành phố), Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã bố trí trên 10 quầy giao dịch tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC cho tổ chức, công dân đến làm việc. Trong quá trình vận hành, Trung tâm cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ; công khai các loại hồ sơ, quy trình thực hiện giúp người dân, doanh nghiệp tiến hành TTHC nhanh chóng, hiệu quả.

    Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, công chức làm việc tại Trung tâm có tinh thần trách nhiệm, năng động, kỷ cương và kinh nghiệm công tác; có thái độ đúng mực khi giao tiếp, không gây khó khăn, phiền hà; hướng dẫn, giải thích đầy đủ, rõ ràng cho tổ chức, cá nhân khi đến giải quyết TTHC; thực hiện quy trình tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả đúng quy định đã tạo được hình ảnh, ấn tượng tốt, gần gũi, thân thiện khi cá nhân, tổ chức đến thực hiện thủ tục giao dịch hành chính với các cơ quan nhà nước trực thuộc tỉnh.

    Đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận gần 4.000 hồ sơ hành chính công, giải quyết đúng hạn trên 3.500 hồ sơ, số còn lại đang giải quyết hoặc chưa đến hạn giải quyết.  Các TTHC có tần suất thực hiện nhiều chủ yếu tập trung ở một số lĩnh vực đăng ký kinh doanh, thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh và thành lập mới doanh nghiệp, thủ tục thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh; thủ tục làm mới, cấp đổi giấy phép lái xe; thủ tục cấp đổi lại chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng; thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề y, cấp chứng chỉ hành nghề dược, giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược; thủ tục đăng ký biến động thuê đất, giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao dịch bảo đảm…

    Đồng chí Đào Ngọc Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cho biết: Tác phong, lề lối, hiệu quả công việc của cán bộ luôn được giám sát chặt chẽ. Chúng tôi mong muốn tạo được sự hài lòng nhất đối với người dân. Chỉ cần cán bộ có lời nói, hành động chưa chuẩn mực với người dân, Trung tâm sẽ kiến nghị với UBND tỉnh thay thế người khác.

    HƯỚNG ĐẾN NỀN HÀNH CHÍNH PHỤC VỤ

    Với mục tiêu “Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo CCHC”, trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực trong công tác cải cách TTHC. Hiện  100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh thực hiện giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông. Hiện tỉnh có 1 Trung tâm Phục vụ hành chính công, 13 bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp huyện. Hệ thống một cửa điện tử được cài đặt, vận hành ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Tổng số dịch vụ công được cung cấp trên Cổng dịch vụ công - Một cửa điện tử của tỉnh là 2.042 thủ tục. Trong đó, mức độ 2 là 1.184 thủ tục, mức độ 3 là 678 thủ tục, mức độ 4 là 180 thủ tục.

    Việc vận hành một cửa điện tử bảo đảm tính công khai, minh bạch trong giải quyết TTHC góp phần nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công. Tỷ lệ TTHC được cập nhật, đăng tải trên hệ thống dịch vụ hành chính công - Một cửa điện tử của tỉnh đạt 100% tạo thuận lợi cho người dân tra cứu.

    Để khắc phục tình trạng hạn chế về thể chế, đội ngũ làm công tác CCHC thực hiện nghiêm túc việc rà soát văn bản, xây dựng kế hoạch CCHC một cách hợp lý, phù hợp với điều kiện của từng đơn vị, tỉnh xác định khâu đột phá trong CCHC là “Cải cách đạo đức công vụ và cải cách chuyên môn nghiệp vụ của công chức, viên chức”, lấy đạo đức con người, đạo đức công vụ làm trọng tâm trong CCHC. Các giải pháp CCHC tập trung vào 6 lĩnh vực: Cải cách thể chế; cải cách TTHC; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa hành chính. UBND tỉnh ban hành quy định thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước tỉnh và các đơn vị, bảo đảm những nguyên tắc và yêu cầu của Chính phủ.

    Công tác kiểm soát, rà soát, đơn giản hóa TTHC được thực hiện thường xuyên; những thủ tục không còn phù hợp được bãi bỏ và thay thế, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Trong năm 2019, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 35 quyết định công bố danh mục TTHC, công bố 191 TTHC mới, bãi bỏ 228 TTHC, sửa đổi, thay thế 260 TTHC. Số TTHC hiện có là 1.714 TTHC, trong đó cấp tỉnh 1.388 TTHC, cấp huyện 212 TTHC, cấp xã 114 TTHC. 100% TTHC sau khi công bố đã được nhập, đăng tải công khai vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC. Việc cắt giảm thời hạn giải quyết TTHC luôn được quan tâm thực hiện, đã thực hiện cắt giảm thời hạn giải quyết 893/1.714 TTHC, tỷ lệ cắt giảm tối thiểu từ 20 - 30% theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

    Cá nhân, tổ chức giao dịch tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính, UBND Thành phố.

    Để đáp ứng các tiêu chuẩn của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã theo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các lớp bồi dưỡng, tập trung bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp phòng, bồi dưỡng quản lý nhà nước về công tác tôn giáo, công tác thanh niên, bồi dưỡng ngạch kế toán viên, chuyên viên... được UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tham mưu, các cơ sở đào tạo phối hợp tổ chức.

    Đặc biệt, để đưa chính quyền đến gần người dân và doanh nghiệp, UBND tỉnh xây dựng Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện, Thành phố (DDCI) để người dân và doanh nghiệp tham gia đánh giá năng lực, hiệu quả hoạt động, quản lý, điều hành của chính quyền. Qua đó, tạo động lực và thôi thúc sự cạnh tranh thi đua giữa các sở, ngành, địa phương, giúp cho bộ máy chính quyền các cấp có sự chuyển mình mạnh mẽ và đổi mới liên tục.

    Bộ chỉ số đánh giá được xây dựng với 7 chỉ số chính và 8 chỉ số phụ đánh giá về: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin, tính năng động, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, hỗ trợ doanh nghiệp, thiết chế pháp lý, khả năng gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, đào tạo lao động, đánh giá chung về cải cách TTHC, cơ quan nhà nước. Kết quả đánh giá bộ chỉ số sẽ làm cơ sở để lãnh đạo tỉnh đánh giá năng lực điều hành và quản lý của các sở, ban, ngành, địa phương để có sự chỉ đạo quyết liệt hơn nhằm giải quyết vướng mắc, hạn chế, góp phần nâng cao tính minh bạch, tinh thần trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong phục vụ nhân dân.

    Những kết quả trên cho thấy nỗ lực trong cải cách TTHC của tỉnh đang phát huy hiệu quả, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo động lực để hệ thống chính quyền trong tỉnh ngày càng hoàn thiện, phục vụ tốt nhất vì lợi ích của nhân dân và doanh nghiệp.

    (Nguồn Báo Cao Bằng)

    Tin tức
    Thống kê truy cập
    • Đang truy cập: 1
    • Hôm nay: 1
    • Trong tuần: 1
    • Tổng lượt truy cập: 1
    Đăng nhập